20-11-2023
Yêu nghề, tâm huyết đó là những cụm từ nói về cô giáo Lê Kim Dung. Cô là một giáo viên Giỏi và nhiệt huyết với công việc trồng người, luôn mang đến những bài học hay, giúp học sinh đam mê học Toán. Trong quá trình làm việc tại hệ thống Giaoduc.vn cô Kim Dung đã 2 năm liên tiếp đều đạt danh hiệu giáo viên xuất sắc.
Người giáo viên “truyền ngọn lửa”
Niềm mơ ước trở thành giáo viên của cô Dung hình thành từ năm cấp 2, chính giáo viên giảng dạy đã truyền lửa cho cô, nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo.
Cô chia sẻ rằng: “Sau khi lớn lên, đến lớp 7, bản thân mình gặp khó khăn trong việc học môn Toán và đã may mắn gặp được môt cô giáo giỏi và tâm huyết đã giúp mình yêu thích và học giỏi lại môn Toán. Từ đó, mình ao ước được tiếp bước cô để có thể giúp ích cho mọi người, cho những đứa trẻ và làm được một việc có ý nghĩa”.
Việc làm từ trái tim sẽ đi đến trái tim
Trong giáo dục, cô Kim Dung quan niệm rằng “Việc làm từ trái tim sẽ đi đến trái tim”. Chính vì vậy, cô luôn cố gắng hết sức mình, yêu thương học sinh hết mình.
Là một giáo viên có nhiều năm trong giảng dạy, cô Dung tin rằng: “Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc đáo duy nhất và mỗi con người sinh ra đều có lý do để tồn tại riêng, ai cũng có những điểm mạnh và thông minh riêng. Giáo dục thành công là giúp mỗi đứa trẻ tìm ra được ý nghĩa cuộc sống của mình, sống có ích và sống hạnh phúc.”
Bên cạnh đó, cô còn cho rằng, học hành không phải là nhồi nhét kiến thức một cách vô cảm mà đó chính là quá trình mỗi đứa trẻ tìm hiểu về thế giới xung quanh, từ đó tìm được điều mình muốn làm, “học đi đôi với hành”.
Mang đến niềm đam mê học Toán cho học sinh
Mỗi giáo viên đều có cách truyền đạt riêng cho học sinh và cô Kim Dung cũng vậy. Để học sinh có niềm đam mê học Toán, yêu học Toán cô đã xây dựng lên những bài Toán, vừa mang tính lý thuyết, vừa áp dụng thực tế để học sinh dễ hiểu, dễ hình dung.
“Về các khái niệm trong Toán học, mình tìm cách liên hệ với những từ liên quan trong thực tế để học sinh dễ nhớ các khái niệm toán học. Ví dụ: Từ “trung” trong trung điểm của đoạn thẳng (điểm chính giữa) cũng giống “trung” trong trung thu (giữa mùa thu), điểm trung bình (điểm 5 trên thang điểm 10), trung tâm (khu vực ở chính giữa)….”, cô Kim Dung chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô còn gợi mở, dẫn dắt bài học ở đầu ca học liên quan đến các vấn đề thực tế nếu có thể. Tăng cường sự liên hệ, gắn bó, kết nối các tri thức toán học với thực tế cuộc sống. Ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn trong dạy học Toán: máy tính cầm tay, trò chơi….
Niềm hạnh phúc khi nhìn thấy học sinh có sự tiến bộ
Đối với mỗi giáo viên, niềm hạnh phúc lớn nhất khi làm nghề là thấy sự tiến bộ và sự trưởng thành của những học sinh mà mình đã đồng hành. Và đối với cô Dung cũng vậy, cô chia sẻ rằng, cô có 1 kỉ niệm rất sâu sắc khi giảng dạy tại Trung tâm TOAN.VN.
“Đó là vào năm thứ hai khi mình dạy ở Trung tâm TOAN.VN, C là một học sinh cuối lớp 8, đầu lớp 9, tính cách khá nhút nhát, rụt rè, còn chữ viết và trình bày thì rất cẩn thận và sạch đẹp, có vẻ giống với bản thân mình lúc bằng tuổi em ấy. Em chưa hiểu bản chất của các khái niệm Hình học, do đó khi học Toán hình, em gặp nhiều khó khăn. Mặc dù thời gian đã rất gần với kì thi lên vào lớp 10 nhưng mình vẫn quyết định kèm cặp, bồi dưỡng cho em hiểu và nắm được bản chất các khái niệm Hình học, từ đó mới có thể làm được bài tập, chứ không được học vẹt theo mẫu.
Mình đã trao đổi với phụ huynh về phương pháp của mình và nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ mẹ của em. Sau đó mình đã có nhiều thời gian nói chuyện và trao đổi với em hơn, để em cởi mở hơn và từ đó dễ dàng trao đổi những vấn đề em chưa hiểu rõ qua zalo. Và may mắn với sự nỗ lực, trong kì thi vào lớp 10 em đã được 8,5 điểm. Đó chưa phải một điểm số cao so với các học sinh khác nhưng với em đó đã là kết quả xứng đáng với sự nỗ lực của em. Đến khi biết điểm em có nhắn tin cho mình: “Con cảm ơn cô đã tận tình hướng dẫn cho con từng bài toàn Hình một, chỉ dạy lại cho con từng mảng kiến thức hổng. Điểm của con phần lớn có công của cô ạ. Con cảm ơn cô nhiều lắm”. Lời nhắn đó như thêm một nguồn sức mạnh giúp mình vững bước hơn trên con đường mình đã chọn.”.
Giúp học sinh thay đổi, đam mê với môn Toán
Chia sẻ thêm về phương pháp truyền dạy cho học sinh. Cô Dung không ngần ngại chia sẻ, cô cho biết:
“Để thay đổi học sinh theo hướng tích cực, trước hết bản thân mình sẽ tìm phương pháp, cách nói chuyện, cách giảng dạy phù hợp với từng học sinh, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của các em. Từ đó, tìm cách liên hệ môn Toán với những gì các em yêu thích và hứng thú, liên hệ môn toán với thực tế cuộc sống.”
Đối với cô giáo viên chỉ giữ vai trò định hướng cách học và tạo động lực cho học sinh để học sinh có khả năng và có điều kiện thực hành, luyện tập các dạng Toán và vận dụng các kiến thức Toán học vào thực tế cuộc sống hay những vấn đề khác mà các em quan tâm. Bản thân giáo viên sẽ kết hợp lý thuyết và thực hành. Tạo động lực cho học sinh và giúp các em cảm nhận được niềm vui khi tự làm được một bài toán hoặc tự giải quyết được một vấn đề nào đó.
Qua buổi chia sẻ mới thấy, cô chính là người truyền lửa cho học sinh đam mê học Toán.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), chúc cho cô luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết để có thể truyền cho thế hệ sau. Chúc cô nhiều sức khỏe và thành công!
Theo dõi
Đăng nhập
0 Góp ý