13-03-2023

Trong dịp Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, các thầy, cô giáo tại TOAN.VN đã có những chia sẻ tâm huyết về nghề giáo. Chúng ta cùng nhau lắng nghe câu chuyện lấy học sinh làm gốc trong phương pháp dạy học của cô giáo Nguyễn Thị Nhung – Quản lý Trung tâm TOAN.VN Đông Anh, giáo viên Toán lâu năm tại TOAN.VN nhé!

“Đứng trước rất nhiều nhiệm vụ cần phải hoàn thành trong mỗi tiết dạy như hoàn thành phân phối chương trình; giảng bài chi tiết dễ hiểu để học sinh làm được bài, dạy kiến thức để học sinh đạt được điểm cao, giải đáp tất cả các thắc mắc của học sinh xung quanh bài học… Nhiệm vụ nào cũng quan trọng cả. Để làm tốt những điều đó, tôi ưu tiên quan tâm đến cảm xúc và thái độ của học sinh trước. Khi nắm bắt được tinh thần, thái độ của học sinh, người giáo viên sẽ có những phương án tiếp cận phù hợp với học sinh, tạo hứng thú cho học sinh, lúc đó tất cả các nhiệm vụ còn lại sẽ dễ dàng hoàn thành hơn.”, cô giáo Nhung chia sẻ.

 

Viết tiếp câu chuyện truyền lửa niềm yêu thích môn Toán cho học sinh, cô Nhung không thể nào quên hình ảnh học trò Quý Hoàng: “Trong rất nhiều thế hệ học trò, tôi vẫn luôn nhớ về cậu học trò tên Quý Hoàng. Năm đó, mẹ đưa Hoàng đến Trung tâm vì mong muốn điểm kiểm tra môn Toán trên trường của Hoàng đạt cao hơn. Thực sự Hoàng không muốn đi học thêm vì bản thân em đã học thêm rất nhiều môn rồi. Vì vậy, khi đến trung tâm, Hoàng không hợp tác với giáo viên. Ca dạy đầu tiên tôi gặp Hoàng, mặc dù tôi tươi cười chào em nhưng em lạnh lùng không trả lời lại. Ngồi học trong giờ thì em cứ cúi mặt xuống, không cúi xuống thì lại nhìn ra cửa sổ.

 

Tôi nhớ lần đó khi hỏi Hoàng: “Hoàng ơi, trên hình vẽ này của cô có những cặp góc nào kề bù với nhau nhỉ?”. Hoàng cúi mặt xuống không trả lời tôi. Tôi đoán có thể em đã quên hai góc kề bù nên đã nhắc lại kiến thức cũ liên quan cho em nhớ lại: “Được rồi, vậy bây giờ em chỉ cho cô các tia đối nhau có trong hình này trước nào”. Câu trả lời tôi nhận được vẫn là sự im lặng của Hoàng.

Tôi chợt nghĩ là do học sinh không nhớ hay học sinh không muốn trả lời? Và tôi đã nhắc lại những kiến thức liên quan đến hai góc kề bù, chỉ ra những cặp góc kề bù có trong hình tôi vẽ trên bảng. Giảng xong, tôi hỏi Hoàng: “Bây giờ em đã nhớ lại về hai góc kề bù chưa? Em chỉ cho cô các cặp góc kề bù có trong hình vẽ 1 ở tài liệu nhé”. Hoàng không có bất kì một phản hồi nào cả. Hai phút trôi qua, em cứ nhìn chằm chằm vào quyển tài liệu, không viết gì vào vở. Tôi lo nghĩ, nếu cứ để tình trạng như thế này thì sẽ không dạy hết nội dung, học sinh không làm được bài, buổi học sẽ không hiệu quả. Một bên là hoàn thành nội dung ca dạy học sinh phải làm được nhiều bài tập, một bên là thái độ của học sinh.

Tôi bắt đầu đấu tranh tư tưởng, hay là tôi cứ giảng kỹ kiến thức trên bảng, học sinh ngồi dưới nghe, giảng đi giảng lại kiểu gì cũng vào đầu học sinh. Suy nghĩ, đắn đo, cuối cùng tôi gạt áp lực phải hoàn thành nội dung dạy sang một bên. Tôi dừng giảng giải. Tôi tập trung vào học sinh. Tôi bắt đầu ngồi gần học sinh và trò chuyện một cách thật thoải mái. Tôi kể cho Hoàng nghe về thời tôi bằng tuổi em, tôi học như nào, cũng có những lúc không cảm thấy hứng thú với việc học. Tôi kể về những trò vui tôi thích chơi khi bằng tuổi em, kể cả những trò tôi trốn bố mẹ để chơi. Tôi kể về nhà khoa học Edison mà tôi đọc được qua quyển sách tôi đã thuê với giá 500 đồng hồi đó. Bất giác tôi nhìn thấy nụ cười nở trên môi Hoàng khi đang nghe tôi kể chuyện.Khi ấy, tôi biết rằng tôi đã gần em hơn được một chút. Rồi tôi gợi chuyện, dần dần Hoàng trở thành người kể chuyện. Tôi được nghe về trò chơi em thích, về đứa em trai hay gây chuyện với Hoàng. Nghe Hoàng kể chuyện thì tôi biết được những lúc bố mẹ làm em cảm thấy khó chịu, những lúc bố mẹ thiên vị cho đứa em trai. Mất một khoảng lớn thời gian trong ca dạy chỉ để cô trò nói chuyện, sau đó mới đưa Hoàng quay trở lại bài học được.

Tiết học ấy chắc chắn tôi không dạy được hết nội dung phân phối chương trình,nhưng bù lại sau đó là sự hợp tác của học sinh. Mỗi buổi học sau đó của Hoàng, tôi đều dành thời gian đầu giờ quan tâm đến tinh thần, cảm xúc của học sinh. Nếu thấy em vui tôi chia sẻ niềm vui với em, nếu thấy em mệt mỏi tôi sẽ là nơi để em giãi bày. Trong buổi học, nếu em có tiến bộ về kỹ năng, kiến thức cho dù là rất nhỏ tôi cũng luôn để ý để động viên khích lệ em.

Thời gian trôi qua, em càng ngày càng hợp tác và có hứng thú với các buổi học Toán tại Trung tâm. Bằng chứng cho sự yêu thích môn Toán khi học tại trung tâm là dù trời mưa rất to nhưng em vẫn đi học đầy đủ.Kết quả môn Toán của em được cải thiện rõ rệt. Sau 3 năm gắn bó tại Trung tâm, em đã đỗ cấp 3 chuyên Ngữ. Còn hạnh phúc nào lớn hơn đối với người giáo viên khi nhìn thấy học trò của mình trưởng thành hơn từng ngày.”

Những câu chuyện nghề giáo thật cảm động của cô Nhung chắc chắn sẽ mang lại nguồn cảm hứng mới mẻ cho các giáo viên. Khép lại cuộc trò chuyện, cô Nhung khẳng định những giá trị mình sẽ tiếp tục theo đuổi: “Mỗi học sinh là một cá thể độc lập, có khả năng khác nhau. Đối với tôi, việc quan tâm đến tinh thần, cảm xúc của học sinh, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của học sinh để rồi từ đó có những cách thức truyền đạt kiến thức phù hợp với từng học sinh, giúp học sinh tiến bộ từng ngày.”

Cảm ơn cô Nguyễn Thị Nhung vì những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Chúc cô và các học trò TOAN.VN có thêm nhiều trải nghiệm tự hào và hạnh phúc trên con đường chinh phục tri thức.

————————————-

TOAN.VN – CHUYÊN BỒI DƯỠNG VÀ LUYỆN THI MÔN TOÁN 1-12

ĐT: 024.7301.8910 | Hotline: 0355.098.968.

Đăng ký học thật
0 0 đánh giá
Đánh giá của bạn
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan