18-11-2023

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Người ta bảo là nghề trong sạch nhất

Có một nghề không trồng cây trên đất

Lại nở cho đời những đóa hoa thơm”

Đọc những vần thơ ấy, tôi thấy thật tự hào về nghề giáo viên và càng yêu quý, kính trọng hơn đối với các thầy, các cô giáo đã từng dạy mình. Yêu kính hơn những người làm nghề giáo.

Thật hạnh phúc biết bao, khi ngày hôm nay, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng cô Trần Thị Hạnh – giáo viên tại Trung tâm TOAN.VN. Một giáo viên trẻ, yêu nghề và tâm huyết. Và hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về sự nghiệp “trồng người” của cô giáo Hạnh nhé!

CÔ TRẦN THỊ HẠNH GIEO MẦM SỰ NGHIỆP “TRỒNG NGƯỜI”

Chân dung cô Trần Thị Hạnh, giáo viên tại Trung tâm TOAN.VN Mỹ Đình

Triết lý giảng dạy của cô Trần Hạnh

“Mỗi học sinh là một bông hoa với mùi hương và màu sắc khác nhau, tất cả đều cần được yêu quý và coi trọng như nhau. Người giáo viên như bác nông dân, phải chăm bón làm sao cho bông hoa đó nở đẹp nhất, toả hương thơm nhất, giúp ích tạo nên vẻ đẹp cho đời.”

Đó là những triết lý giảng dạy của cô giáo Trần Thị Hạnh – giáo viên tại Trung tâm TOAN.VN.

Theo đuổi sự nghiệp “trồng người” từ năm 2015 và bắt đầu sự nghiệp từ năm 2018. Với cô, công việc giảng dạy không chỉ đơn giản là truyền đạt lại kiến thức cho thế hệ sau mà còn là việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cho học sinh thông qua giảng dạy, giúp học sinh trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Đối với cô Hạnh, giáo viên là người đại diện, là cầu nối giữa thế hệ trước và thế hệ sau, mang trọng trách giữ gìn và truyền bá những văn hoá tri thức tốt đẹp của thế hệ trước, cập nhật xu thế phát triển của thời đại, đào tạo ra 1 thế hệ tương lai văn minh, tiến bộ, một thế hệ công dân toàn cầu.

Đó là những chia sẻ của cô về vai trò người giáo viên.

Cô Trần Thị Hạnh – ước mơ đến với sự nghiệp “trồng người”

Ước mơ trở thành nhà giáo từ khi còn nhỏ, cô Hạnh đã vun trồng giấc mơ và chinh phục nó thành công. Cô chia sẻ rằng:

“Bố mẹ xuất phát là nông dân chân lấm tay bùn nên tất cả mọi quyết định và lựa chọn đều do mình đưa ra. Nghề giáo đến với mình một cách rất tự nhiên. Như bao đứa trẻ ở độ tuổi mầm non, tiểu học, các vai diễn trở thành cô giáo khi tụi mình chơi với nhau – một cách vô thức, đã ngấm dần vào tiềm thức của mình, thôi thúc mình trở thành một người giáo viên. Cái cảm giác được học trò ngưỡng mộ đã nuôi lớn ước mơ trở thành giáo viên của một đứa trẻ khi ấy mới 7 tuổi. Càng lớn dần, mình càng thấy bản thân phù hợp với nghề giáo mà không phải bất cứ một ngành nghề nào khác. Rất khó để giải thích rõ tại sao, nhưng có lẽ là nghề chọn người đó.”

Chính từ ước mơ lúc nhỏ ấy, cô đã nỗ lực và đạt được ước mơ mình mong muốn.

Tính đến nay, cô Hạnh đã có 8 năm trong sự nghiệp “trồng người” . Chia sẻ lựa chọn đồng hành với TOAN.VN, cô Hạnh cho biết:

“Mình chọn Toan.vn để gắn bó vì phương châm và mục tiêu giảng dạy mà Toán.vn hướng đến cũng là những gì bản thân mình đang hướng đến. Mình tìm thấy 1 sự đồng điệu trong phương châm giảng dạy của bản thân với Toán.vn.”

Tự hào là một cô giáo

Là một cô giáo, cô Hạnh luôn tự hào về công việc của mình. Với cô, công việc giảng dạy ngoài việc phải vững vàng trong chuyên môn, đảm bảo những phẩm chất đạo đức của nghề nghiệp, một người giáo viên cần có tư duy sáng tạo, tinh thần cầu tiến và học hỏi; sự trách nhiệm; khả năng thích ứng tốt, linh hoạt xử lí các tình huống sư phạm. Ngoài ra, giáo viên còn cần những tố chất của một nhà tâm lí, một người có sự nhạy cảm và tinh tế; sự bình tĩnh và kiên nhẫn, khả năng kiểm soát cảm xúc tốt để nắm bắt nhanh nhất và đúng nhất những sự thay đổi trong tâm lí của học sinh, từ đó hỗ trợ học sinh điều chỉnh cảm xúc.

Giúp học sinh hiểu giá trị của môn Toán

“Học sinh khi học Toán thường hỏi mình: “Học toán để làm gì?”. Để giúp học sinh thấy việc học Toán là có ý nghĩa và gần với đời sống, mình luôn cố gắng tìm hiểu những ứng dụng của toán học đối với đời sống và các ngành khoa học khác; truyền đạt lại cho học sinh bằng câu chuyện, video hay dưới dạng một bài toán đố vui nho nhỏ.”

Cô Hạnh đã khơi gợi niềm đam mê môn Toán với học sinh bằng các ví dụ vào thực tế. Đưa môn Toán trở thành môn học yêu thích đối với các bạn.

Những khó khăn trong sự nghiệp “trồng người” của cô

Chia sẻ về khó khăn gặp phải trong sự nghiệp, cô Hạnh chia sẻ:

“Khó khăn lớn nhất với bản thân có lẽ là tìm ra những phương pháp giảng dạy hấp dẫn, phù hợp với từng nhóm đối tượng, thu hút được học sinh để các em tích cực học tập, chia sẻ khó khăn với giáo viên cũng như giúp các em phát huy tối đa khả năng của bản thân. Mỗi buổi học khi các em đến trung tâm học phải thật sự có hiệu quả, khi tan học, ai cũng hồ hởi vì mình có “một bụng kiến thức” để mang về.”

Quá trình tích lũy ở TOAN.VN, cô Hạnh đã tự tin và tìm ra một phương pháp dạy hiệu quả hướng tới học sinh.

Kỷ niệm không phai

Chia sẻ những kỷ niệm trong cuộc đời làm nghề của mình, cô Trần Hạnh cho biết:

“Câu chuyện của mình nói về một bạn học sinh lớp 8. Bạn học sinh này không phải là một học sinh có thành tích tốt nhất mà mình từng dạy, nhưng lại là học sinh luôn khiến mình mỉm cười mỗi khi nghĩ đến. Bản thân em ấy không phải là người tư duy chậm, nhưng có lẽ việc học với một lớp với những bạn tư duy nhanh hơn khiến em cảm thấy áp lực và đuối dần. Phụ huynh đã rất lo lắng cho việc học của con. Đến khoảng thời gian sắp thi giữa kì, mình đã bổ trợ riêng cho em mà không lấy phí. Do mình biết khả năng tiếp thu của học sinh đến đâu nên việc học sinh không hiểu bài và mất dần sự tự tin khiến mình trăn trở và thấy có lỗi rất nhiều. Sau vài buổi bổ trợ riêng, bạn ấy đã tiến bộ rất nhanh và bài kiểm tra đạt kết quả 9,25 điểm. Một số điểm thật xứng đáng cho những nỗ lực và sự cầu tiến của bạn ấy. Ngay sau khi học sinh kiểm tra xong, dù chưa có kết quả nhưng phụ huynh đã nhắn tin cảm ơn mình. Mình thấy rõ cả nụ cười và sự chân thành của phụ huỳnh trong tin nhắn đó. Mình yêu quý từ phụ huynh cho đến cả học sinh.”

Sau kết quả đạt được kết quả đó, ở những buổi học sau học sinh càng thêm cố gắng và nỗ lực. Những bài tập nâng cao học sinh luôn chủ động hỏi cô hướng dẫn để về nhà hoàn thiện.

Qua câu chuyện của học sinh trên, cô Trần Hạnh càng thấm thía câu tục ngữ “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Dù chỉ là một tin nhắn cảm ơn của phụ huynh cũng khiến cô Hạnh ấm lòng. Bên cạnh đó sự nỗ lực và tiến bộ của học sinh làm càng làm cô có thêm động lực giảng dạy.

Cảm ơn những chia sẻ của cô Trần Hạnh đã mang đến. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúc cô luôn có nhiều sức khỏe và thật nhiều năng lượng để tiếp tục dìu dắt nhiều thế hệ học sinh trên con đường tri thức.

Đăng ký học thật
0 0 đánh giá
Đánh giá của bạn
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan