Cô Nguyễn Thị Mai – giáo viên chuyên Toán cấp 2 tại TOAN.VN sẽ chia sẻ 1 trong những phương pháp tiếp theo rất là quan trọng trong học tập để đạt được kết quả tốt như mong muốn đó là “Đặt mục tiêu và tập trung chinh phục mục tiêu trong học tập”.
Tại sao chúng ta phải đặt mục tiêu trong học tập nói riêng và trong cả cuộc sống sau này nói chung?
Cuộc sống không mục tiêu chẳng khác nào một hành trình không có điểm đến xác định. Mục tiêu thể hiện tầm nhìn của chúng ta về ước muốn đạt gì, lúc nào sẽ đạt được. Khi có mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường được, chúng ta sẽ duy trì được động lực học tập, nếu ko thì chúng ta sẽ cảm thấy nó rất là khổ,rất là khó và rất dễ bỏ cuộc giữa chúng nếu ko có 1 khát khao đủ lớn để mà chúng ta đeo đuổi việc học.
Và ngoài ra, khi đã xác định được những mục tiêu rõ ràng, chúng ta có thể tìm những phương pháp để đạt được những mục tiêu đó. Điều này giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, công sức và đôi khi cả chi phí để đầu tư.
Thế nhưng, nếu như bạn có mục tiêu và nguyện vọng thi vào trường Đại học Ngoại thương mà chỉ nói là “Mình sẽ cố gắng để thi đậu vào trường Ngoại thương” mà không lập ra 1 kế hoạch học tập cụ thể thì ước mơ chỉ dừng lại ở ước mơ thôi chứ không thành hiện thức được.
“Đặt mục tiêu ra sao và tập trung chinh phục mục tiêu trong học tập như thế nào mới đúng”
Hãy xác định mục tiêu càng cụ thể càng tốt
Nếu bạn đề ra mục tiêu không rõ ràng thì bạn sẽ khó xác định được bạn cần phải làm những gì để đạt được mục tiêu và bạn sẽ dễ dãi với bản thân khi bạn không thực hiện đúng theo kế hoạch. Một mục tiêu “thông minh” đầu tiên phải được thiết kế một cách cụ thể, rõ ràng. Mục tiêu càng cụ thể, rõ ràng càng chứng tỏ khả năng đạt được.
Một trong những cách người ta dùng để xác định một mục tiêu cụ thể là tưởng tượng về chúng. Chẳng hạn, mục tiêu cuối năm nay của tôi là đỗ cấp 3 hay là đỗ Đại học,nhưng chưa cụ thể là đỗ trường nào,bao nhiêu điểm,nguyện vọng mấy. Tôi nhắm mắt lại, hình dung ra cảnh mình nhận thông báo đỗ vào trường THPT nào? Tổng điểm là bao nhiêu? Điểm số từng môn là bao nhiêu? Bố mẹ và bạn bè xung quanh khi biết tin sẽ vui mừng ra sao? Cả gia đình sẽ cùng tổ chức liên hoan gì? Tôi sẽ thưởng gì cho bản thân mình?…. Bạn càng hình dung ra rõ ràng mục tiêu của mình, bạn càng biết chính xác những gì bạn cần làm để đạt được nó.
Tìm một đơn vị để mục tiêu bạn đo lường được
Nhiều bạn xác định mục tiêu là sẽ đạt kết quả tốt trong kì thi. Tuy nhiên đó vẫn là mục tiêu chung chung, vì biết bao nhiêu điểm là tốt. Ví dụ một mục tiêu cụ thể là “tôi đạt 8 điểm môn Toán cho kì thi tuyển sinh 9 vào 10” nghĩa là mục tiêu phải được gắn liền với các con số. Nguyên tắc này đảm bảo mục tiêu của bạn có sức nặng, có thể cân, đo, đong, đếm được. Bạn biết được chính xác những gì mình cần đạt được. Chẳng hạn, bạn muốn có một kết quả tốt, thì “tốt” với bạn là như thế nào? Có thể là điểm số của bạn là 8 điểm cho môn Toán. Những con số tròn trĩnh mà bạn đặt ra cho mình cũng tựa như đòn bẩy nâng tinh thần, động lực của bạn lên cao để nỗ lực hết mình đạt được điều mình muốn. Nếu không, không những bạn không tạo cho mình niềm mong muốn cháy bỏng để tập trung vào mục tiêu, mà còn cảm thấy chán nản, không được khích lệ và dễ bỏ cuộc.
Mục tiêu mang tính khả thi và hợp với bạn
Tính khả thi cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng khi bạn cân nhắc đưa ra một mục tiêu. Nghĩa là bạn suy nghĩ về khả năng bản thân trước khi đề ra một chỉ tiêu quá xa vời nếu không muốn bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng như vậy không có nghĩa là bạn chỉ lập cho mình một mục tiêu dễ dàng, đơn giản. Quá dễ dàng làm cho bạn không cảm thấy thích thú và được thách thức.
Ví dụ: Bạn có thể đặt những mục tiêu như đạt 9 điểm cho các bài thi thử môn Toán 9 vào 10 tại Toán.vn trong lần thi thử thứ 2 khi bạn nhận thấy khả năng của mình hoàn toàn có thế. Đừng đặt những mục tiêu kiểu như đạt 10 điểm môn Toán,hay 10 điểm đề thi Toán Chuyên Khoa học tự nhiên nếu bạn ko tự tin và cảm thấy chưa đủ khả năng, bạn sẽ không hoàn thành nó được đâu.
Tính thực tế và liên quan tới tầm nhìn chung
Liên quan đến tầm nhìn chung có nghĩa là liên quan đến mục tiêu dài hạn của bạn. Bạn cần phải đặt mục tiêu thực tế với mình mà không cần quan tâm tới việc xã hội, cha mẹ, bạn bè đặt ra mục tiêu lý tưởng và cao xa cỡ nào cho mình. Ngoài ra, cũng không nên đặt ra mục tiêu quá cao mà không đánh giá chính xác các trở ngại cũng như hiểu được cần nâng cấp những kỹ năng nào để đạt được mục tiêu đó. Mục tiêu bạn đặt ra phải phù hợp và cùng hướng đến mục tiêu lâu dài của bạn. Ví dụ như bạn có thể đặt những mục tiêu như học tiếng Anh để chuẩn bị đi du học chứ không phải một ngoại ngữ nào đó, không liên quan đến việc đi học của bạn. Hoặc rèn luyện kỹ năng tính toán hàng ngày để nâng cao kỹ năng làm Toán chứ ko phải luyện vẽ hàng ngày nếu bạn ko có nhu cầu hay sở thích với việc luyện vẽ và việc đó cũng chưa phục vụ cho kì thi vào 10 sắp tới. Bạn hãy nhớ nhé ví dụ việc bạn học ngành học có liên quan đến công việc của bạn hay không. Những hành động hướng mục tiêu và tập trung vào mục tiêu sẽ giúp bạn hoàn thành mục tiêu lớn của mình nhanh hơn.
Hãy có cuộc hẹn cho mục tiêu
Bất cứ một mục tiêu lớn nhỏ nào cũng cần được xác định một thời gian cụ thể. Nó tạo cho bạn một đường biên xác định thời điểm bạn bước lên đỉnh chiến thắng. Trong quá trình cố gắng, bạn biết được bạn đang đi đến đâu trong cuộc hành trình và kịp thời chấn chỉnh mức độ phấn đấu. Thay vì bạn nói “Mục tiêu của tôi là có 5 tỉ trong tài khoản” thì hãy nói “Mục tiêu của tôi là có 5 tỉ trong tài khoản khi tôi 35 tuổi” . Hoặc thay vì nói “Mục tiêu của tôi là hoàn thành chương trình học môn Toán trước khi thi vào 10” thì hãy nói “Mục tiêu của tôi là hoàn thành chương trình học môn Toán trước tháng 2 năm 2021” chẳng hạn.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ về việc “Đặt mục tiêu và tập trung chinh phục mục tiêu trong học tập” ra sao. Hy vọng những chia sẻ của cô Mai sẽ hữu ích với các em và chúng ta sẽ đặt được những mục tiêu cho chính mình và hoàn thành mục tiêu đã đề ra cho năm học này.