13-03-2023
Làm thế nào để trở thành người bạn đồng hành cùng con trên hành trình trưởng thành luôn là nỗi trăn trở của nhiều bố mẹ tại TOAN.VN. Thấu hiểu với những lo lắng đó, các thầy cô rất mong có thể được cùng đồng hành với quý phụ huynh trên hành trình này. Xin gửi tới quý phụ huynh những chia sẻ của cô Ngô Thị Hạnh – Quản lý trung tâm TOAN.VN LIÊN HÀ với hơn 30 năm làm mẹ về bí quyết đồng hành, thấu hiểu con trẻ.
Vấn đề cha mẹ và con cái không có tiếng nói chung, khó khăn trong kết nối với nhau không còn là vấn đề hiếm gặp trong xã hội ngày nay. Thậm chí có nhiều bậc phụ huynh còn thất vọng đến nỗi cảm thấy bất lực trong việc nắm bắt những thông tin về đứa con thân yêu của mình.
Trong hoàn cảnh như vậy, cha mẹ cần phải hiểu rằng việc mình gặp khó khăn khi trò chuyện và hiểu con mình là hệ quả của một quá trình dài của việc cha mẹ không kết nối với con cái, không thường xuyên trò chuyện với con.
Cha mẹ thường nghĩ rằng, hàng ngày con đang sống với mình, sinh hoạt cùng nhau, mọi hoạt động của con đang diễn ra trước mắt mình nên mọi việc của con mình nắm bắt được hết, hiểu được hết.
Đó là một nhận thức chủ quan và sai lầm. Mỗi đứa trẻ là một thực thể cá biệt. Con lớn lên hàng ngày, thay đổi hàng ngày không chỉ về thể chất mà đặc biệt là đời sống tinh thần, tình cảm, về cảm xúc cũng như tâm hồn. Sự thay đổi đó, không chỉ do nhận thức của con ngày một phát triển mà còn do một yếu tố đặc biệt quan trọng tác động tới sự thay đổi này, đó là do môi trường sống, học tập và giao tiếp của con ngày càng phong phú và đa dạng, nó biến đổi từng ngày mà các bậc làm cha mẹ không nắm bắt kịp nên vẫn nghĩ rằng con vẫn luôn trong vòng tay mình.
Đến khi xảy ra những việc khó khăn trong giao tiếp với con như: đứa con của mình lảng tránh không thích trò chuyện cùng cha mẹ, hoặc trò chuyện cùng nhưng không hiểu con nói gì, hoặc phát hiện ra những hành động, cử chỉ, việc làm của con mà mình không vừa mắt… thế là xảy ra mâu thuẫn, xung đột, dẫn đến những cảm xúc không tích cực từ hai phía. Và thế là xa càng thêm xa, khó càng thêm khó. Và cái cảm xúc đứa con thân yêu của mình nó hỏng đến nơi rồi là nỗi bận tâm, sự dày vò và trăn trở lớn nhất đối với bất cứ ông bố bà mẹ nào.
Vậy làm thế nào để thay đổi cục diện này?
– Cha mẹ cần thay đổi cảm xúc: bình tĩnh, không để cảm xúc tiêu cực chi phối. Đây là vấn đề quan trọng nhưng ko được quan trọng hóa vấn đề. Việc ta để cảm xúc tiêu cực chi phối sẽ làm ta mất đi sự sáng suốt dẫn đến những hành động cực đoan…
– Thay đổi nhận thức: Vấn đề đó không ở phía con, mà ở chính chúng ta, những ông bố bà mẹ…
– Kiểm điểm lại cách ứng xử của cha mẹ với con cái không phải chỉ ngày một ngày hai mà phải xem lại trong cả một giai đoạn phát triển của con: đã quan tâm đến con chưa, dành thời gian cho con ntn, ..
– Hành động tích cực và thiết thực:
+ Quan tâm không chỉ đời sống sinh hoạt mà đặc biệt đến đời sống tinh thần, tình cảm của con: việc ăn, việc học, việc chơi, …
+ Tôn trọng ý kiến của con, không gian riêng của con: lắng nghe ý kiến nguyện vọng của con, ko lấy quyền hành làm cha mẹ để can thiệp thô bạo đến ko gian riêng tư của con, tạo cho con có cảm xúc mình được tôn trọng, mình được tự chủ, có tiếng nói trong gia đình,…..
+ Làm bạn với con trong việc tháo gỡ những băn khoăn, thắc mắc, …
+ Là chỗ dựa cho con về tài chính, tinh thần, tình cảm….
+ Là đại diện uy tín cho con trước một tổ chức, lớp học, đoàn thể, …
– Nhận diện được việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái đòi hỏi nhiều công sức, tinh thần và tình cảm, đặc biệt là thời gian. Nó cần được quan tâm, chăm chút và duy trì thường xuyên,liên tục. Nếu là mối quan hệ phải xây dựng lại thì đòi hỏi nỗ lực phải gấp đôi, không thể một sớm một chiều, vậy nên không thể nôn nóng nóng vội mà muốn bắt con theo ý mình ngay được.
Hy vọng, với những chia sẻ chân thành của cô Hạnh sẽ giúp các bậc phụ huynh tìm ra giải pháp hữu ích để thấu hiểu con và hạnh phúc trên hành trình nuôi dạy con!
Theo dõi
Đăng nhập
0 Góp ý